Tiếp thị di động là gì ?
Tiếp thị di động là một tập hợp các hoạt động cho phép các tổ chức giao tiếp và thu hút người xem một cách tương tác và phù hợp thông qua thiết bị hoặc mạng di động bất kỳ.
Trong suốt thập kỷ qua, tiếp thị di động từ một thuật ngữ quảng cáo rộng đã trở thành một thuật ngữ đề cập đến một loại hình tiếp thị cụ thể hơn. Từng được sử dụng để nói đến bất kỳ hình thức tiếp thị nào sử dụng phương tiện di động (chẳng hạn như bảng quảng cáo di động, các triển lãm và quảng cáo ngoài trời có thể di chuyển khác), nhưng ngày nay “tiếp thị di động” đề cập đến một hình thức hoàn toàn khác của quảng cáo: Tiếp cận để kết nối và tương tác với người dùng thông qua các thiết bị di động điện tử mà họ sử dụng.
Cũng như các hình thức tiếp thị trực tuyến khác, tiếp thị di động có rất nhiều dạng thức khác nhau và đã phát triển rất nhanh chóng trong một thời gian tương đối ngắn mà động lực của nó là sự mong mỏi của người tiêu dùng về một giải pháp giúp họ thu xếp cuộc sống siêu kết nối hiện tại. Khi đời sống con người trở nên chung nhất hơn, toàn cầu hơn và linh động hơn, sức hấp dẫn của tính chất “luôn kết nối” của thiết bị di động càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Theo một nghiên cứu của Gartner được công bố vào tháng 1 năm 2013, các khoản chi cho quảng cáo qua di động trên toàn thế giới đạt mức 11,4 tỷ đô-la trong năm 2013 và có thể đạt mức 24,5 tỷ đô-la vào năm 2016. Andrew Frank, phó Chủ tịch Nghiên cứu của Gartner cho biết: “Điện thoại thông minh và máy tính bảng đã mở rộng thị trường cho quảng cáo di động ở ngày càng nhiều khu vực địa lý khi số người dùng dành thời gian sử dụng các thiết bị này tăng thêm. Thị trường này vì thế sẽ trở nên dễ phân khúc và
nhắm mục tiêu hơn, từ đó thúc đẩy mức tăng chi cho quảng cáo di động đối với các thương hiệu và các nhà quảng cáo.”
Gartner cho rằng sự gia tăng của việc sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng di động là động lực chính dẫn đến sự tăng trưởng trong ngân sách dành cho quảng cáo di động và dù đa số người dùng thiết bị di động hiện không sở hữu điện thoại thông minh, nhưng cục diện sẽ thay đổi trong những năm tới. Vào tháng 2 năm 2013, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) ước tính có 6,8 tỷ thuê bao di động trên toàn thế giới, tương đương với 96% dân số toàn cầu. Dù phần lớn các thiết bị cầm tay được cái gọi là “thiết bị di động thông thường” (không phải điện thoại thông minh), nhưng doanh số của điện thoại thông minh đã vượt qua điện thoại thông thường lần đầu tiên vào năm 2013 và dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng.
Một nghiên cứu của Portio từ năm 2012 cho biết có tổng số 7,8 nghìn tỷ tin nhắn SMS được gửi đi vào năm 2011. Portio ước tính rằng tin nhắn SMS sẽ đạt đỉnh 8,3 nghìn tỷ tin nhắn hàng năm vào năm 2015.
Trong khi đó, lưu lượng tin nhắn OTT (over-the-top 88) từ các ứng dụng như WhatsApp, Facebook Messenger và Apple iMessage đang gia tăng theo cấp số nhân. Portio dự đoán lưu lượng tin nhắn OTT tích lũy sẽ vượt quá con số 100 nghìn tỷ tin nhắn từ năm 2013 đến năm 2017. Một con số lớn khủng khiếp.
Portio khẳng định: “Tin nhắn vẫn là ông hoàng – đó là điều mà chúng tôi muốn làm rõ ở đây. Tin nhắn vẫn chiếm ưu thế trong tổng doanh thu phi thoại trên toàn thế giới.” Các dự đoán ước tính rằng các dịch vụ nhắn tin di động sẽ tạ ra 1,17 nghìn tỷ đô-la doanh thu dịch vụ trên toàn thế giới trong giai đoạn 5 năm từ 2013-2017.
Một nghiên cứu khác do Ovum thực hiện trong tháng 11 năm 2013, cho thấy vào năm 2018, lưu lượng tin nhắn ứng dụng đến cá nhân (A2P) sẽ đạt mức 2,19 nghìn tỷ tin nhắn. Tin nhắn A2P là gì? Nó chỉ đơn giản là các tin nhắn được gửi tự động từ một ứng dụng chứ không phải là một người. Nó được sử dụng rộng rãi trong các dịch vụ tài chính quảng cáo, tiếp thị, quản trị kinh doanh, bán vé, bình chọn truyền hình, v.v… Khi nhà mạng gửi một tin nhắn đến điện thoại của bạn để nói rằng hóa đơn mới nhất của bạn đã có sẵn trên trực tuyến, hoặc thẻ tín dụng của bạn cạn tiền… đó là một tin nhắn A2P.
Nhưng điều đó có nghĩa gì nếu đứng từ góc độ tiếp thị di động?
Bất chấp mọi vồ vập xung quanh phương thức tiếp cận di động, tìm kiếm, ứng dụng, điện thoại thông minh, máy tính bảng, các dịch vụ dựa trên địa điểm và mọi thứ khác… lúc này, ít nhất, tin nhắn cũng vẫn đang giữ vị trí trọng tâm trong ngành công nghiệp tiếp thị di động. Nhưng mọi thứ thay đổi nhanh chóng và sự thay đổi này ở địa hạt tiếp thị di động còn diễn ra với tốc độ gấp rút hơn nhiều so với bất kỳ hình thức tiếp thị số nào khác – và các nhà tiếp thị trên toàn thế giới sẽ phải rất nỗ lực để chuẩn bị cho một tương lai trong đó hoạt động truy cập thông tin và dịch vụ trực tuyến bị chi phối bởi các thiết bị di động.
Sự gia tăng ổn định của thiết bị di động đã trở thành sự kiện chính trong lĩnh vực tiếp thị số trong những năm gần đây. Tất nhiên, thiết bị di động đã và đang được coi là “triển vọng lớn” trong tương lai, song với sự tăng trưởng
không ngừng về tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh (tăng hơn 30% mỗi năm), sự hội tụ của điện toán di động, những cải thiện trong chất lượng kết nối và sự phát triển của đám mây, thiết bị di động cuối cùng cũng đang từng bước hiện thực hóa triển vọng của mình.
Việc sử dụng Internet bằng di động đang gia tăng với tỷ lệ gấp 8 lần mức tăng trưởng của máy tính để bàn 10 năm trước đây. Hơn một nửa các kết nối Internet mới hiện nay có nguồn gốc từ các thiết bị di động. Chúng ta đang ở tâm của một cuộc lột xác cơ bản trong cách mà mọi người tiếp cận thông tin và dịch vụ khi hầu hết các nhà tiếp thị vẫn đang quay cuồng sau cuộc đổi mới gần đây nhất.
Đừng rung hồi chuông báo tử cho máy tính để bàn và máy tính xách tay bởi đối với nhiều điều (như việc viết cuốn sách này chẳng hạn), một chiếc máy tính “đúng nghĩa” vẫn là lựa chọn tốt hơn so với một thiết bị di động. Nhưng rõ ràng phạm vi tiện ích của chúng đang giảm dần và khi mọi người quen với việc sử dụng các thiết bị bỏ túi của họ, họ sẽ sử dụng máy tính ít hơn.
Và người tiêu dùng không chỉ sử dụng các thiết bị di động để kết nối Internet thường xuyên hơn, mà họ còn sử dụng nhiều thiết bị khác nhau với các kích cỡ khác nhau nữa, trong đó chủ yếu là điện thoại thông minh và máy tính bảng.
Với tư cách chuyên gia tiếp thị, chúng ta cần phải thích ứng với sự thay đổi về công nghệ truyền thông và tìm hiểu thêm về cách thu hút người xem thông qua các phương tiện họ đang dùng, đồng thời tối ưu hóa trải nghiệm của họ
– dù họ chọn hình thức kết nối nào đi chăng nữa.