Các hình thức truyền thông xã hội
Có nhiều kiểu trang web truyền thông xã hội khác nhau, tất cả đều chủ yếu dựa trên tiền đề về tương tác cá nhân; tạo ra, trao đổi và chia sẻ nội dung; đánh giá nó và thảo luận về các điểm số tương đối của nó trên các thang đo như một cộng đồng. Nội dung có thể là các liên kết đến trang web khác, các bài báo hoặc bài đăng trên blog, các file hình ảnh, âm thanh, video, câu hỏi đặt ra bởi người dùng khác… trên thực tế là bất cứ điều gì được phát tán dưới hình thức kỹ thuật số.
Hầu hết các trang truyền thông xã hội không nằm gọn trong một hạng mục duy nhất; chúng có xu hướng pha trộn một loạt các thành phần xã hội, vượt qua những ranh giới riêng biệt mà mọi người cố gắng gò chúng vào. Tuy nhiên, do con người có xu hướng cất giữ mọi thứ trong những chiếc hộp xinh đẹp, gọn ghẽ, nên có một số cách phân nhóm được chấp nhận rộng rãi, phù hợp với hầu hết các trang truyền thông xã hội, xét theo chức năng chính của chúng. Danh sách sau đây chỉ gồm một vài ví dụ và còn xa mới đầy đủ. Hãy bắt đầu quan sát, bạn sẽ thấy có rất nhiều trang/thành phần truyền thông xã hội ở ngoài kia không rơi vào bất kỳ nhóm nào mà chúng tôi đưa ra dưới đây, một số thậm chí dàn trải trên nhiều nhóm. Tất cả đều cho thấy bản chất năng động, không ngừng phát triển của truyền thông xã hội. Và đúng như câu nói… chúng ta đang sống trong thời kỳ thú vị.
Các trang đệ trình truyền thông xã hội
Những trang web đầu tiên cho phép người dùng đánh dấu và chia sẻ nội dung mà họ thích là các trang đánh dấu như del.icio.us (www.delicious.com), cho phép người dùng “lưu” đánh dấu lên tài nguyên web mà họ yêu thích (trang web, file âm thanh, video, v.v….), phân loại chúng bằng cách sử dụng thẻ (đó là những chiếc nhãn giúp bạn xác định và lọc nội dung muốn dùng sau này) và chia sẻ chúng với bạn bè trực tuyến. Khái niệm này cũng tương tự như việc thêm một trang vào mục yêu thích trên trình duyệt của bạn, chỉ có điều nó đang được đưa lên cấp độ cao hơn.
Các trang đánh dấu xã hội dần dà mất đi tính thịnh hành và được thay thế bởi phần lớn các trang đệ trình phương tiện truyền thông xã hội như Digg (www.digg.com), Reddit (www.reddit.com) và StumbleUpon (www.stumbleupon.com). Những trang web này khá giống các trang đánh dấu xã hội, nhưng thay vì lưu thẻ đánh dấu cá nhân để tham khảo riêng về sau, bạn chủ động gửi những liên kết tới nội dung mà mình “thích” đến các cộng đồng trực tuyến để đánh giá và xếp hạng. Càng nhiều người “bình chọn” cho một mục nội dung cụ thể, thứ hạng của mục nội dung đó càng tăng cao. Những đệ trình nhận được đủ số phiếu bình chọn sẽ xuất hiện trên trang chủ, có khả năng thúc đẩy lưu lượng truy cập vào trang.
Cùng với số phiếu, đương nhiên trên các trang này cũng xuất hiện những cuộc thảo luận và tranh cãi, điều đó có nghĩa là chúng có thể mang lại cái nhìn sâu sắc hơn về cách mọi người suy nghĩ và phản ứng.